Buy Me A Coffee

Kinh nghiệm của trưởng ban hậu cần ĐXXV 2022

Posted by : on

Category : tam-su


Xin chào, mình là Diệu, cựu Xuvi 2017 và cũng là trưởng ban hậu cần 2022. Khi mình quyết định đi lại 2022 cũng là một quyết định bất ngờ vào phút chót, chứ đừng nói là làm trưởng ban hậu cần. Đến nỗi một bạn nhỏ xuvi Đà Nẵng, rủ mình đi XV 23 dỗi mình luôn, vì mình đi luôn năm 22, ối giời ơi, mình cũng dỗi bản thân mình luôn ấy chứ.

Chả là sau dịch, khi tổ chức XV22, mọi thứ khá vội vã, các miền chỉ kịp tổ chức một chuyến thực tế nên không có cơ hội quan sát và đề cử nhân sự vào các vị trí trong ban cán sự, bước đường cùng thế là mấy anh em cựu Xuvi tự đứng ra nhận các vị trí trong ban cán sự, bao gồm trưởng đoàn, phó đoàn, trưởng ban y tế, trưởng ban sự kiện và cả mình - trưởng ban hậu cần. Lúc Khoa - trưởng đoàn kêu mình ra bảo mình tạm thời nhận vị trí này, như là một vị trí không chuyên thôi, để mình có thể cố vấn, hỗ trợ ở các ban khác nữa.

Mình hoàn toàn ngáo ngơ khi nhận chức vụ này, mình có thể nấu ăn, nấu cho bản thân mình ăn thì được, nhưng nấu cho nhiều người như vậy, 70 con người thì chưa bao giờ, lần đầu làm chuyện ấy mà. Nhưng cuối cùng, với sự giúp đỡ của mọi người, từ hậu cần không chuyên, chuyển thành hậu cần full-time cả hành trình, mình đạp xe được đúng 3 bữa.

Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những cái tên thân thương đã đồng hành cùng mình trong công tác hậu cần gồm Hà - kế toán, Việt - đầu bếp mặn, Trâm - đầu bếp chay, Chung - Phó ban, Hạnh - thánh trả giá, cùng các đầu bếp và nhân viên nhà bếp vãng lai khác Nhã, Ái, Vũ Thảo, Thúy, Lệ, Cô Hồng, Nhi … đôi khi mọi người không được phân làm hậu cần nhưng vẫn lăn xả vào làm nên rất quý mọi người luôn. Đặc biệt xin lỗi Trâm vì rời khỏi đoàn rồi mà vẫn bị hành. Và cả các chú tài xế chú Diễn, chú Khuê, Chú Vỹ, chú Đức, các chú nấu ăn ngon mà nhanh gọn nữa; khi mình ở vị trí là người chăm lo cho cả đoàn, nhận được lời hỏi thăm, nhắc nhở và cả sự giúp đỡ từ các chú nữa là một điều rất hạnh phúc.

Mình xin ghi chép lại những kinh nghiệm trong việc làm hậu cần mà mình từ một đứa ngáo ngơ, trở thành trưởng ban hậu cần đúng nghĩa để làm tư liệu cho những tân trưởng ban hậu cần năm sau. Phần 1: Chuẩn bị.

  • Ghi chép chi tiêu: mình sử dụng ứng dụng MoneyLover để ghi chép chi tiêu, nó có thể thông kê chi tiêu, lập biểu đồ, xuất ra excel, chia sẻ chi tiêu với người khác.

  • Chia sẻ vị trí: vì xe hậu cần luôn đi trước, và đôi khi phải làm luôn việc tiền trạm điểm dừng nghỉ trưa trong các chặng đường dài, nên việc chia sẻ vị trí là cần thiết. Quá trình này mình đề xuất sử dụng luôn Google Maps sử dụng tính năng chia sẻ vị trí với trưởng đoàn, trưởng nhóm, dẫn đoàn, chốt đoàn luôn, cái này năm 22 chưa có áp dụng nên mình mới đề xuất. Có thể chia sẻ qua mail và chọn chia sẻ trọn đời luôn để đỡ mất công chia sẻ đi chia sẻ lại, nó chỉ cho phép chia sẻ tối đa 24h nếu chia sẻ qua link. Các thành viên trong ban cán sự cũng nên dùng tính năng này.

  • Chuẩn bị đồ khô, đồ dự trữ: có thể có những tình huống bất ngờ, hoặc nghỉ giữa chặng cần nấu ăn nhanh, nên cần dự trữ đồ ăn có thể để lâu, có thể kể tới như: gạo, đậu phộng, cá khô, dưa muối, cà muối, măng khô, muối vừng, mì tôm, cháo gói, phở gói, bánh canh khô… Tất nhiên là không cần mua hết, tính trong một bữa nếu không đi chợ được thì có thể lôi ra nấu một bữa là được.

Có thể chuẩn bị từ đầu, hoặc đi tới đâu có thì mua, lúc mình đi tới Hà Tình thì gặp người dân đổ đậu phộng ra đường phơi thế là mình mua luôn mấy chục kg đậu cả vỏ, cho anh em vừa bóc vừa ăn tới tận Quảng Nam mới bóc hết. Rảnh thì cho anh em giã làm muối vừng, gì chứ muối vừng cực kỳ hao, ăn tốn cơm lắm. Cá khô thì được các bạn cựu xuvi tài trợ từ đầu hành trình đến cuối hành trình ăn vẫn không hết. Măng khô thì lên Bảo Lộc nha, nhiều rừng nhiều măng, măng tươi măng khô có cả, mình mua ở cái cô ở điểm nghỉ luôn. Thỉnh thoảng đi chợ gặp cà pháo thì mình mua vài ký, cho vào hũ muối. Mì tôm thì luôn luôn phải có trên xe hậu cần, nhưng mà mình phát hiện ra mì tôm cũng hao cực kỳ, vì các bạn bóc ăn vặt hơi nhiều, nói chung mọi người ăn được thì cứ cho mọi người ăn, đừng ăn vặt bỏ bữa chính là được để đảm bảo sức khỏe còn đạp xe. Cháo gói cũng thế, cháo gói để dành cho các bạn ốm không ăn được cơm. Phở gói cho các bạn không ăn được mì tôm, có nhiều bạn không ăn được mì tôm lắm. Bánh canh khô có để đổ vào hết một nồi nấu bữa sáng, nhanh gọn lẹ. Mì tôm phở cháo thì mua theo thùng.

Lưu ý quan trọng: mua cái gì cũng phải chú ý hạn sử dụng, phải ít nhất còn 2 tháng, vì đi hành trình 45 ngày, hạn sử dụng còn 1 tháng, lỡ ăn không hết thì vứt.

  • Đồ gia vị: mắm muối, dầu ăn, xì dầu, đường, bột ngọt, bột nêm, hành, tỏi, ớt, gừng luôn luôn phải có trong bếp. Kiểm tra thường xuyên, sắp hết thì bổ sung ngay. Riêng, đường khá là hao, vì pha chanh đường cho mọi người. Ăn tỏi sống có thể tăng đề kháng, chống cảm cúm, nên khuyến khích các bạn ăn 1 2 tép tỏi mỗi ngày, hoặc thỉnh thoảng làm các món có tỏi. Gừng cũng thế, chống cảm lạnh hoặc pha nước gừng những ngày trời mưa, mọi người dầm mưa về uống. Chuẩn bị ít chanh hoặc sấu, pha nước những ngày nắng nóng nhưng hạn chế mua nước đá, ngày nào cũng cho mọi người nốc nước đá thì viêm họng thí bà luôn, bữa nào dầm mưa lại lên xe hậu cần nằm, cuối cùng người khổ cũng là hậu cần mà thôi. Nói chung sướng khổ bởi mình hết, nên cái gì nghiêm khắc được thì phải nghiêm khắc, nhớ bàn bạc với ban an ninh về vấn đề này luôn. Dầu ăn, nước mắm, xì dầu thì tranh thủ đi mấy siêu thị lớn mua luôn can 5 lít.

  • Đồ nấu ăn: nồi niêu xoong chảo, bát đũa các thứ, đồ từ các năm cũ vẫn còn có thể dùng lại và mua bổ sung những món đồ còn thiếu, nhớ đánh dấu vào hết, đồ nào của mình thì ghi chữ XV, vì mình đi đến các điểm có thể lẫn với đồ của chùa, của nhà dân nên phải đánh dấu, ngoài ra các bạn có thể lẫn chậu nấu ăn với chậu giặt nên cũng cần phải đánh dấu luôn.

Ghi danh sách và kiểm kê hằng ngày, trước khi di chuyển để tránh thất thoát và lẫn với đồ của chùa, của người dân.

  • Nước nấu ăn: Đây là vấn đề mà mình không chuẩn bị trước dẫn đến rất bị động và tốn kém, vì phải dùng nước bình loại để uống để nấu ăn trong nhiều trường hợp. Nhiều chỗ nguồn nước không đảm bảo, không có nước máy như ở thành phố mà nước mưa, nước giếng khoan, thậm chí là nước máy nhưng nhiều chỗ vùng núi vàng khè luôn. Nên mình đề nghị các bạn nên mua trước mấy bộ lọc loại nối trực tiếp tại vòi, loại có thể nối với tất cả thể loại vòi mua trên Shopee, rẻ thì 2 chục đắt thì trăm ngàn đến vài trăm ngàn, đầu tư một chút, nhưng nguồn nước đảm bảo hơn.

  • Gas: đổi ngay một bình gas Petrolimex lúc bắt đầu hành trình luôn, nhất định phải là Petrolimex, PetroVietnam cũng không được, cũng là Petro, nhưng Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước, có thể đổi ở bất kỳ cây xăng Petrolimex nào từ Bắc vào Nam luôn, đối với gas khác đi tỉnh khác hãng khác người ta không cho đổi đâu.

  • Hộp nhựa: mua hộp nhựa có nắp để giữ đồ ăn thừa.

  • Dầu rửa bát, bột giặt: có điều kiện cứ mua luôn size lớn nhé.

Đồ hậu cần những ngày đầu, những ngày đầu đã thế này rồi, càng đi càng nhiều kinh khủng hơn.

Danh sách đồ hậu cần tham khảo 2022 Phần 2: Trong hành trình.

  • Phân công công việc: Các nhóm tự phân công người lên hậu cần hôm đó, trưởng ban hậu cần chỉ điểm danh danh sách hậu cần hôm đó. Nên có hình thức phạt phù hợp với những bạn không hoàn thành nhiệm vụ, ví dụ thành viên không hoàn thành thì phạt luôn nhóm đó. Hầu hết mọi người đều biết nấu ăn, đi chợ nên cứ mạnh dạn phân công luôn, không biết thì tìm hiểu, hoặc nhờ giúp đỡ, luôn có những cách khác nhau để các bạn ấy hoàn thành nhiệm vụ, nên cứ mạnh mồm chỉ tay năm ngón luôn, thằng A nấu cơm, thằng B nấu cá, cô C phụ trách món canh.

  • Đi chợ:

Cái việc đi chợ ấy, ban đầu mình cứ phải lên thực đơn, họp hành rất là mất thời gian và lôi mọi người đi họp hậu cần đầy đủ cũng rất là lằng nhằng, với một vấn đề nữa là sau khi vô chợ không phải lúc nào cũng mua được theo thực đơn, có thứ có thứ không, nhất là ở chợ quê, với lại ở chợ quê hay có những thứ rau quả độc lạ, nếu cứ mua theo thực đơn thì khá là cứng nhắc và thực đơn không phong phú.

Sau này mình cứ vào chợ, đi một vòng, thấy cái gì nhiều đủ cho 70 người ăn thì mua, rồi sau cùng mình vứt hẳn cho một đứa, bảo đấy 1 triệu đấy, hôm nay đi chợ trong 1 triệu đấy đủ 3 món là được, nhưng phải dằn mặt rằng không được mua hết, phải có dư cầm về, ít hay nhiều cũng thế, đưa 500k thôi cũng thế, bởi vì luôn có những chi phí phát sinh, mọi người sẽ biết tự tìm cách hết. Thế là xong, thực ra ai cũng biết đi chợ cả, ai cũng biết nấu ăn cả nhưng mà không tự tin nấu cho nhiều người thôi.

Đi chợ sớm thì có đồ tươi, nhiều đồ để mua hơn, đi chợ muộn thì có đồ ế, đồ ế thì họ vừa bán vừa cho. Đi chợ phố thì đắt, đồ nhiều, chợ quê thì rẻ, đồ ít, có khi đi chợ vô chợ quê hốt hết cả cái chợ luôn mới đủ ăn.

Khi xe hậu cần xuất phát thì cũng phân công cho bạn xe máy đi chợ dọc đường luôn, để đến điểm nghỉ là có thể đem đồ ra nấu luôn.

Đi chợ nhớ mang đồ Xuvi nhé, năn nỉ ỉ ôi rằng tụi con đi đạp xe xuyên Việt, làm tình nguyện các thứ, cô bớt cho tụi con… thế đó :)) (Ôi cái này học hỏi bạn Hạnh nhé, thánh luôn), nhưng mà không biết trả giá thì thôi cũng được, không sao hết, mua nhiều, người tốt bụng thì kiểu gì người ta cũng cho à.

Nhưng vào chợ cũng không thiếu người cơ hội đâu, thấy mình thật thà là ép giá, với cả có lúc mua 3 ký thịt xay thì xay luôn 4 ký, bảo thôi cô lỡ rồi lấy cho cô 4 ký nên phải tỉnh, phải tỉnh nha, huyện cũng không được.

  • Ước lượng thức ăn:

  • Cơm: tính theo bát gạo, một bát gạo cho 2 người ăn, bát vừa đầy không vơi cũng không vun quá. Nhưng thường mọi người ăn ít hơn. Ví dụ khi nấu cho 60 - 70 người ăn mình thường nấu từ 22 bát đến 28 bát gạo, phần vì cơm nguội, phần hôm trời nắng mệt mọi người ăn ít hơn. Cứ 3 bát gạo là gần bằng 1kg. Mua gạo thì mua gạo vừa phải không rẻ, không đắt, khô quá khó ăn, gạo dẻo thì đắt, đắt thì tốn tiền. Chở được thì mua hẳn bao 50kg đỡ mất công đi mua nhiều lần. Mình đã từng chở 1 tạ 2 bao 50kg gạo cộng thêm cái Hạnh thánh trả giá ngồi trên 2 bao gạo vì ham gạo rẻ, cộng thêm 4 con vịt và một đống đồ, leo đèo Bảo Lộc, đi với tốc độ rùa bò mười mấy cây số, vừa đi đám vịt vừa kêu cạp cạp, kể lại vẫn cười không nhặt được mồm vì cảnh tượng trên.

  • Thịt, cá: thịt cá là thứ đắt, dư dả thì mua 4, 5kg. 60 người 4kg là vừa đủ ăn. Nói chung cân nhắc đồ thịt cá, gà thì mua trong khoảng một chi phí được ước định trước, không nên mua theo cân mà mua theo số tiền có bao nhiêu, ví dụ chỉ mua trong 500k đổ lại là được. Thịt cá có thể mua ít, rau củ mua nhiều lên cũng được. Rau củ mọi người lại ăn nhiều hơn thịt cá đấy.

  • Rau củ quả: chia theo mâm, cứ 10 người 1 mâm, 1 món 2 dĩa, lúc mua lần đầu chưa quen thì bảo các cô cân lên 1 cân, xong tính thử 1 cân được bao nhiêu dĩa. Hoặc dư tiền thì mua rau củ hết đi, rau củ cũng có thể để lại hôm sau nấu cũng được.

  • Canh: cái quan trọng là ước lượng bao nhiêu nước chứ không phải bao nhiêu rau đâu nha, 1 bó rau 10k nấu một nồi canh đại dương 70 người ăn cũng chẳng vấn đề gì, ăn được hết. Ban đầu thì đong bằng tô, mỗi mâm 2 tô canh, cứ thế mà đếm, sau quen thì khỏi. Các món nước bún, cháo, mì tôm cũng thế, nhưng nhớ tính cả cái nữa nha, cái nhiều thí ít nước lại, 2 người 1 tô ví dụ vậy, thêm 1 ít lỡ có người ăn 2 tô :))

  • Xếp xe hậu cần: Chẳng có năm nào như năm này, hậu covid, mưa nhiều, khiến cho sức khỏe mọi người yếu, ốm la liệt hết cả ra, nên là ba lô đồ cá nhân của mọi người đã cho lên xe hậu cần từ sớm, dẫn đến mọi người cứ để đồ lên hết xe hậu cần, đồ nhiều ơi là nhiều, chật ních không có chỗ cho mấy bạn hậu cần ngồi luôn. Chứ mấy năm trước mọi người tự chở, đi đến đâu vứt đến đấy cho đỡ nặng.

Và cuối cùng đồ nấu ăn, bếp núc thì chỉ còn mỗi một cái cốp xe. Lúc này xếp đồ hậu cần là một trò chơi xếp hình, một trò chơi trí tuệ thực sự, đồ thì chẳng hôm nào giống hôm nào, hôm thì phải nấu cơm trước khi đi cho những lúc nghỉ giữa chặng không có chỗ cắm điện, hôm thì rau củ quả, trái cây chùa cho, vào miền trong thì trái cây nhiều ơi là nhiều, xe hậu cần cũng không chứa hết nổi. Có hôm thì ở chùa thì không nấu ăn, có đồ lấy ra có đồ không lấy ra, đồ nào lấy ra thì phải đề ngoài. Có hôm không nấu ăn, tự nhiên có bạn xách bịch dừa về thế là lục hết đống đồ ra chỉ để lấy mỗi con dao và cái ca đựng nước, trời ơi luôn.

Cũng có quy tắc trong việc xếp đồ này đó là: Không để phí phạm một khoảng trống nào. Khi mới xếp vào thì phải để ý luôn, nồi lồng nồi, chậu lồng chậu, bát lồng tô. Tiếc là mình có chụp lại cách xếp bát, bát thì cho vào nồi lớn rồi xếp thành vòng tròn lồng vào nhau, tô cũng vậy, rồi cho đũa muỗng vào các khoảng hở. Bì mảng, túi nilon thì nhét vào các khoảng hở khi để nồi lớn, xô chậu vào. Và hôm nào mình xếp dư một khoảng trống lớn là mình cảm thấy hôm nay thật tuyệt luôn ấy, có lẽ hôm nay ít công việc hơn.

Và cột sống mình trở nên bất ổn vì cứ khiêng đống đồ này, vì chỉ có mình quen xếp cái đống đồ này vào cốp xe, mấy đứa khác là nó cứ lôi ra nhét vào hết buổi.

Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp xe hết chỗ, chứ cũng không cần hại não như thế này, nghĩ ăn món gì cũng đủ hại não rồi lại còn phải nghĩ xếp đồ như thế nào nữa.

Xe hậu cần bao giờ cũng chật ních chỗ.

Chỉ đủ cho chừng này người ngồi, đây là một hôm hậu cần có đầy đủ các thành viên cốt cán, trưởng đoàn, 2 phó đoàn và 2 nhóm trưởng.

Lần xếp đồ hậu cần lần cuối cùng, lúc này đồ được chuyển về Hà Nội, đồ đã vơi bớt đi rất nhiều, không có thực phẩm, gia vị.

Một vấn đề nữa là đồ cá nhân của những bạn trong nhóm hậu cần nên để xếp sau cùng, vì như thế các bạn có thể chủ động lấy đồ của mình ra tắm giặt trước khi đoàn đến.

  • Đồ sida: tức là đồ mọi người để quên không rõ chủ nhân, sau khi mọi người vội vã xuất phát thì luôn có những món đồ ở lại, hậu cần luôn là người ở lại sau cùng để dọn dẹp vệ sinh và trả lại hiện trạng cho nơi mình đã ở.

Đồ sida là một vấn nạn thực sự, thứ quái gì cũng có hết: bình nước, dầu gội, áo quần, khăn mặt, mũ nón, giày dép, tất, sịp, áo lót… Mọi người để quên cả áo quần ướt khi phơi rất nhiều, nên cái bì đồ sida cứ lớn dần lớn dần, và nó thối um luôn, nên là 2 3 hôm phải lôi ra, phơi nắng, ai nhận thì nhận, ai không nhận thì sàng lọc cái gì dùng được thì dùng không thì vứt luôn.

Mấy thứ đồ nhạy cảm thì cũng thôi đi, chẳng ai nhận lại đâu nên là đem sọt rác vứt luôn hết, còn khăn mặt thì hậu cần tận dụng lại làm khăn lau hết.

Lâu lâu bọn mình cũng phải dọn xe hậu cần một bữa, lôi hết đồ trong xe ra, quét dọn, sắp xếp lại đồ đạc.

Thanh lý đồ sida đây, đồ này thơm quá, không ai nhận thì mình xí nhé! Phần 3: Hôm nay ăn gì?

Đây là câu hỏi hôm nào mình cũng nghĩ. Song về cuối hành trình thì mình mặc kệ, ai cũng quen việc nấu ăn cả rồi.

Đường xa, leo đèo thì đói, trời nắng thì mệt, trời mưa thì ốm, nóng ăn đồ mát, lạnh ăn đồ nóng, nghỉ giữa chặng nấu gì cho nhanh, hôm đột xuất không tìm được điểm nghỉ thì ăn uống kiểu gì… có hàng tá vấn đề phát sinh. Bạn có thể đơn giản mọi thứ bằng cách nấu ăn theo trường phái là: ăn được thì ăn, không ăn được thì nhịn :)) đùa đấy

Năm nay khá đặc biệt đó là ăn ngon hơn mọi năm, ai cũng bảo thế, vì mình là trưởng ban đấy :)) đùa đấy, bởi vì năm nay có mấy đầu bếp xịn, mình chả nấu cái gì ra hồn đâu, à thực ra mình giả vờ đề các bạn khác có đất diễn đấy :)) Nó cũng nảy sinh một vấn đề đó là mọi người nấu ăn rất cầu kỳ, mất rất nhiều thời gian, toàn trễ deadline thôi, đến nỗi khi phân chia nấu ăn theo nhóm, các nhóm cũng đau đầu nhức óc làm sao nấu để không thua nhóm khác, họp nhóm có mỗi việc nấu ăn cũng hết một buổi, xong mọi người kêu: ôi trời mình nấu có một bữa mà đã thế này, anh Diệu ngày nào cũng như thế, chắc chớt.

Mình sẽ liệt kê một số món để tham khảo cho những mùa sau nhé, mình chỉ nêu tên, cách nấu tự biết nhé:

  • Bữa sáng:
  • Cơm chiên trứng, cơm chiên Dương Châu Cơm chiên thì nấu cơm từ tối hôm trước, cơm chiên thì bằng 2/3 bữa ăn bình thường, sáng dậy chiên, cơm nấu khô một chút, khô chứ không phải sống nhé, đánh tơi cơm cho dễ chiên, cho ít nghệ bột cho cơm vàng đẹp, 1 thìa nghệ là đủ cho 1 chảo lớn vàng khè rồi. Nấu ít canh đại dương cho dễ nuốt.

  • Cháo thịt băm, cháo rau củ thập cẩm (các loại hạt, củ đem cắt nhỏ cho hết vào nồi), để nấu cháo nhanh thì có thể lấy cơm nguội còn thừa, hoặc cắm 1 nồi cơm nhão để qua đêm từ tối, cho vào nồi nước quậy lên, trong quá trình nấu phải quậy thường xuyên vì nồi lớn dễ cháy sém ở dưới đáy và phần trên thì không chín đều.

  • Bún riêu, bún thịt viên

  • Bánh canh chả cá, hoặc bánh canh cá lóc

  • Xôi lạc, xôi đậu

Hoặc nấu cơm như bình thường đối với các chặng đường xa.

  • Bữa trưa, tối: thông thường 3 món: 1 món mặn, 1 món xào, luộc, 1 món canh. Nấu như bạn nấu ăn bình thường có điều số lượng người ăn hơn nhiều “chút” thôi :)))

Những món đơn giản phổ biến như lòng xào dưa, thịt kho đậu khuôn, cá sốt cà chua, rau muống xào tỏi, rồng xanh vượt đại dương (rau muống luộc), canh đại dương (canh toàn nước), cà thần công (cà pháo), rau sống, thịt luộc, trứng luộc, rau luộc, cà rốt củ cải luộc, bầu luộc … trưa nắng cứ chơi hết món luộc cho tớ, dễ ăn dễ làm, lại mát.

Thịt luộc xong lấy nước đó luộc rau tiếp, vớt rau ra, còn nước thế là được nồi canh, thịt luộc kiếm ít lá lộc vừng, lá sung, lá lốt, hái dọc đường, cộng muối vừng nữa bao tốn cơm, thề luôn.

Bổ sung mấy rau củ sống như dưa chuột làm salad mọi người cũng rất chuộng, hoặc củ đậu ăn sống, dư dả thì mua thêm trái cây ăn sau bữa. Thỉnh thoảng ở quê hay có mấy rau quả lạ lạ thì hỏi người dân cách chế biến thử nhé, ví dụ quả lặc lè, vào miền Nam ít thấy, chỉ việc luộc lên ăn thôi mà các bạn cũng khen ngon quá trời.

Những món đơn giản và dân dã mọi người lại thích ăn đấy.

Một bữa ăn có hơi nhiều đạm do được người dân tài trợ.

Bữa ăn bình thường của tụi mình.

  • Món chay: trong trường hợp ở chùa, nhưng chùa không nấu thì mình phải tự nấu, có chùa ăn chay có chùa không ăn chay, có chùa ăn chay nhưng mình vẫn có thể xin phép nấu mặn, mình có thể hỏi và xin phép các sư, các thầy nhé. Nếu nấu mặn trong chùa thì cũng phải hạn chế mùi tanh và tém tém lại nhé. Trong trường hợp chùa nấu chay giúp mình thì cũng xông vào mà cách chế biến cách làm.

Nếu có bạn trong đoàn biết nấu chay thì là điều tuyệt vời, hoặc có thể vào chợ, tìm tới gian đồ chay, hỏi các cô cách nấu.

Một số món chay: Đậu phụ sốt cà chua, lạc rang, nấm xào rau củ, rau củ xào thập cẩm, sườn chay kho, các loại thịt cá giả chay (có bán ở các gian hàng chay ở chợ)

Một gian hàng chay ở chợ

Một hôm được các cô ở chùa nấu ăn cho, chúng mình chỉ biết mỗi nhặt rau và đấm lưng cho các cô.

Những hôm được chùa nấu cho.

Vào miền trong thì trái cây quá trời, ăn không xuể, vừa chùa cho, người dân cho, lại dân vận dọc đường đến nỗi mình phải quán triệt rằng, đừng có đi dân vận nữa, xe hậu cần hết chỗ chứa rồi, ai hốt về thì tự mà giải quyết cho hết, xong cuối cùng thì hậu cần cũng phải phát cho mỗi người 1 ít mang ăn dọc đường vì không có chỗ để. Phần 4: Bonus

  • Tắm giặt và sinh hoạt cá nhân đối với hậu cần: chuyện 2 ngày tắm một bữa là chuyện quá đỗi bình thường, 4, 5 ngày tắm 1 bữa không tắm cũng có, yên tâm trong đoàn luôn có những người ở bẩn giống mình, hoặc bẩn hơn mình, thời gian cứ xoay như chong chóng, vừa ăn trưa xong cái đã phải tính chuyện ăn cơm tối, nên việc sinh hoạt cá nhân khá là hiếm hoi mà muộn màng. Bạn có quyền được yêu cầu thành viên khác nhường cho mình tắm trước còn nấu ăn nhé.

Trong trường hợp điểm nghỉ không có chỗ tắm, điều tiện nhất đối với hậu cần đó là mang sẵn áo quần, đi mua đồ ở tạp hóa thì xin người ta tắm luôn, tắm ở nhà dân nhiều lúc đầy đủ tiện nghi, nóng lạnh luôn.

  • Muỗi: muỗi là thứ kinh khủng nhất khi đến Bạc Liêu, những con to như con ong, đông như quân Nguyên, lỳ như trâu nữa, và không sợ chết, nó đeo bám không tha cho mình đâu, trong lúc nấu ăn mà cứ dậm chân dậm tay đến khổ, nhang muỗi, bôi cái gì cũng không ăn thua, nên là mình kiến nghị mua vợt muỗi, cái loại pin trâu trâu ấy, vợt 1 vòng thế là đỡ hẳn luôn.

  • An ninh: hậu cần là team nằm ngoài vòng pháp luật, không có giờ giới nghiêm đối với hậu cần, không sợ bị phạt, mình hay bảo với team hậu cần rằng, cứ tập trung chuyên môn là nấu ăn, những sinh hoạt khác của đoàn như tập trung, tập thể dục, điểm danh, … không liên quan đến mình, nên mấy bạn thích lắm :)) vì mỗi lần nghe tuýt còi là các bạn đều phải bỏ tắm, bỏ giặt,… lật đật chạy đi tập trung.

  • Nghỉ ngơi: đã thức khuya dậy sớm, lại ngủ không ngon nữa thì thôi, sức khỏe đâu mà làm, nên phải tự đảm bảo giấc ngủ của mình, với lại team hậu cần phải ngủ góc riêng để lúc thức dậy thì không làm phiền mọi người.

Năm 22 có kinh nghiệm đó là do mọi người ốm quá nhiều nên đầu tư cả tấm cách nhiệt để đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Riêng mình thì đầu tư cái võng, võng có mùng, chỉ cần có 2 cây cột là đâu cũng ngủ được.

Với lại nếu đoàn chưa có thì đầu tư luôn mùng chống muỗi để mọi người ngủ ngon hơn với cả chống sốt xuất huyết.

Rửa bát có thể là một hình thức phạt đối với những thành viên vi phạm nội quy, hay cũng cũng là một hình thức vui chơi kết nối mọi người, thế nên có những thành viên rất thích bị phạt rửa bát. Lời kết

Cuối cùng trong hành trình không thiếu những niềm vui nỗi buồn, có lúc mình cũng bật khóc vì những khó khăn, mệt mỏi, stress, có lúc nghĩ đang yên đang lành tự nhiên lại đi làm TBHC hay là nghỉ phẻ đi. Nếu bạn có nhận trọng trách này thì cũng đừng buồn vì không được đạp xe, ở hậu cần luôn có rất nhiều kỷ niệm, giúp bạn ghi nhớ hầu hết các thành viên trong đoàn một cách nhanh chóng, và sau hành trình bạn có thể tự hào rằng tôi đã từng nấu ăn cho mấy mươi con người liên tục trong 45 ngày.

Sau cùng với sự cố gắng, không bỏ cuộc, mình đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của mọi người.

Tân Trưởng Ban Hậu Cần, bạn cũng thế nhé! Cố lên, chúc may mắn và thành công, nếu cần hãy liên hệ với mình, mình luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có cho bạn!


About Dieu

Hi, my name is Dieu. I am Indie Developer :D

Star
Categories
Useful Links